Họ lan tên khoa học là Orchidaceae là loài hoa được liệt vào trong danh sách những loài hoa đẹp nhất Việt Nam. Dựa theo sách “Phong lan Việt Nam” của tác giả Trần Hợp thì lan Việt Nam có 140 chi, gồm hơn 800 loài. Người ta thường gọi lầm tất cả các loại hoa lan là phong lan, nhưng thực ra hoa lan mọc ở nhiều nơi và chia ra làm ba loại: các loài lan chủ yếu mọc trên cây cao đón gió, chúng được gọi là phong lan (Epiphytes); bên cạnh đó còn có những loài lan mọc trong đất gọi là địa lan (Terestrials); một số loài lan mọc trên đá gọi là thạch lan (Lithophytes).
Vậy địa lan là gì? Đây là những loài lan mọc trên đất, có rễ ăn vào trong đất hoặc len lỏi giữa các kỹ đá. Thân cây có thể nổi trên mặt đất (bán địa lan) hay ngập trong đất (địa lan thật).
Lan lá Gấm (Ludisia dicolor)
Cây có thân rễ bò dài, sau đó vươn lên, mật. Lá bầu dục, phiến màu nhung đen, nổi rõ các gân mảnh dọc theo lá màu đỏ, mặt dưới lá đỏ. Cụm hoa mọc thẳng từ đỉnh, hoa thưa màu trắng. Lan gấm gặp ở hầu hết các vùng trong cả nước ở độ cao thấp.
Loài này tương đối khó trồng. Cây ưa bóng râm, 30-50% ánh sáng. Tưới nước thường xuyên nhưng tránh đọng nước vào thân lá. Dùng chậu nông, lót than, trên rải rêu, xơ dừa, pha thêm một ít đất với than bùn. Chỉ đặt thân lên mặt chậu rồi dùng rêu, lá khô phủ thân, không được chôn vì dễ làm thối thân. Cây có hoa tháng 2-3, bền 20-40 ngày, thơm. Loài được trồng làm cảnh do có vân màu sắc đẹp, thích hợp để bàn, trang trí nội thất tốt vì có khả năng chịu bóng và có kích thước nhỏ.
Nhóm Lan đất
Đây là những loài Lan mọc trong các bãi cỏ ven rừng, cạnh ruộng. Cây phát triển trên đất có nhiều khoáng sét, tầng đất này. Do vậy những loài này thường dễ trồng, thích hợp trồng trong chậu như những cây cảnh thông thường. Đất trồng có thể là đất vườn, bổ sung một ít mùn bằng than bùn hay giá thể hữu cơ khác và có 2 loài đặc trưng nhất sau đây.
Lan Hạc đính nâu (Phaius takervilleae) Cây có củ giả lớn, thân cao 50-60cm, lá lớn. Cụm hoa thẳng, mọc từ nách lá gốc củ giả, cao tới 70cm. hoa nhiều, rất lớn, màu trắng ở mặt ngoài, nâu ở mặt trong. Cánh môi màu đỏ có vạch vàng. Cây mọc rải rác ở hầu hết các vùng trên các sình lầy ở độ cao thấp và trung bình. Loài lan này dễ trồng, ưa bóng râm. Tưới nước thường xuyên nhưng tránh đọng nước. Đất trồng cần thoáng, xốp, hoặc trộn rêu, dớn mục. Bón phân hữu cơ nhiều có tác dụng tốt. Hoa thơm nở tháng 2-3, vào dịp 8/3, bền 20-30 ngày.
Lan Chu đinh tím (Spathoglottis plicata) Cây có củ giả nhỏ, thân cao 40-50cm. lá thuôn dài. Cụm hoa thẳng mang hoa ở đỉnh. Có từ 7-10 bông, lớn, màu tím hay trắng. Cánh môi màu tím đậm, có họng vàng nhỏ. Loài có nguồn gốc từ vùng phía Nam trên núi đất ở độ cao thấp. Chu đinh tím là loài cây Lan rất dễ trồng, ưa sáng. Cây có thể trồng trong chậu cảnh hay trồng ven tường thành hàng hoa. Hoa nở hầu như quanh năm, không có mùa xác định. Hoa bền và thơm. Khi chăm sóc, cần tưới thường xuyên nhưng tránh để đọng nước. Dùng đất vườn thoáng, xốp trộn với một phần giá thể hữu cơ. Bón phân hữu cơ có nhiều tác dụng tốt cho cây và hoa.
Một số loài lan Hài
Lan hài thường sống ở vùng lạnh ẩm của núi cao nên chúng không phát triển tốt khi mang xuống đồng bằng do đó gây cho chúng ta ấn tượng là Lan hài khó trồng. Lá của lan Hài phát triển thành từng cặp từ gốc của cây. Cây giữ các lá này trong nhiều năm và cây sinh trưởng thành một cụm lớn. Chúng không có các giả hành vì vậy không thể lưu trữ nước và chất dinh dưỡng. Vì lý do này mà lan Hài không có mùa nghỉ, hoặc bị quá khô, mặc dù với hầu hết các loại hoa lan đều cần phải có sự thoát nước tốt.
Lan Hài có thể được trồng từ cây con đến trưởng thành hoặc được chia tách từ các cây trưởng thành. Các cây sống trong vùng khí hậu lạnh thường không có biến dị về lá, chúng thường có màu xanh, trong khi các cây sinh trưởng trong vùng ấm hơn thường có lá vằn, điều đó khiến cho chúng hấp dẫn ngay cả khi chúng chưa ra hoa.
Đa số các loài lan Hài sống dưới đất, có nghĩa là chúng được trồng trong đất, một số ít bám trên các cành cây và trong các hốc đá. Lan Hài tương đối dễ trồng và hoa của chúng thọ từ 8-10 tuần, ngay cả khi cắt hoa cắm lọ chúng cũng thọ được vài tuần. Hầu hết các loại Hài lai rất đa dạng về kích cỡ và màu sắc hoa.
Có một số loài cây thích hợp với điều kiện sống nơi bậu cửa sổ, hai loại lan hài Paph.callosum và Paph.sukhakulii. Cả hai xuất xứ từ Thái Lan, nở hoa vào mùa thu và yêu cầu điều kiện nhiệt độ ấm. Nếu bạn có đầy đủ các điều kiện tốt cho việc trồng lan Hồ Điệp, bạn cũng có thể trồng lan Hài và chúng cũng là một sự thử nghiệm thú vị!
Cây có bộ lá xanh, bóng, đẹp, hoa nở vào dịp tết Nguyên Đán, đặc biệt có hương thơm rất hấp dẫn như loài Mạc Đại Hoàng Biên - Cymbidium sp. Cây mọc nhiều ở vùng núi phía Bắc giáp Trung Quốc, vùng Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La. Một số loài địa lan cũng thuộc chi lan Kiếm nhưng nở hoa vào cuối tháng 9 đến tháng 11 dương lịch. Cây có bộ lá đẹp, cứng, hoa thơm, đặc biệt là những ngày có gió heo may mùi thơm lại càng hấp dẫn. Đại diện cho loại này là Trần mộng - Cymbidium sp, Đông Lan - Cymdibium sp. Cây phân bố rộng ở các vùng núi đá vôi thuộc các tỉnh phía Bắc.
Lan sậy (Arudina graminifolia) có thân mảnh, lá dạng cỏ. cụm hoa mọc từ đỉnh, nhiều hoa nhưng hoa nở dần. Hoa lớn, màu hồng họng tía với đốm vàng, nở không có mùa xác định. Loài có rải rác ở các bãi ven núi từ Bắc vào Nam. Thỉnh thoảng có bán ở Hà Nội nhưng ít người trồng.
Theo phân loại thực vật, địa lan có chừng 48 loài, ở Trung Quốc có 30 loài, được chia ra làm hai loại là loại hoa nhỏ và hoa to. Hiện nay có khoảng 20 loại lan được dùng làm nguyên liệu lai tạo, gồm có loại hoa lan như Lan đầu hổ, Lan mỹ hóa, Lan bích ngọc, Lan đầu hổ Tây Tạng, Lan độc chiếm xuân, phong lan tím, phong lan châu Âu, phong lan đức thị, đại tuyết lan... Những giống lan lai được tạo thành từ các loài trên có tới vài nghìn. Hiện nay có những loại ra hoa sớm, ra hoa muộn, muộn trung bình, có loại cho hoa to, hoa xanh, hoa nhiều màu, lại có hoa hình dáng, màu sắc, hương thơm đa dạng.
Theo Appa - Nguồn sưu tầm