1. Biện pháp canh tác
Làm đất:
- Bước đầu tiên trong quá trình canh tác đó là chọn đất trồng. Đa phần các cây rau phù hợp trồng ở đất có độ pH từ 5 – 7 vì nó có khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt.
- Sau đó, tiến hành làm đất tơi xốp và phơi ải đất. Mục đích của việc phơi ải là giúp cho vi sinh vật trong đất hoạt động tốt, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng và cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, phơi ải đất còn có tác dụng diệt một số mầm bệnh hại, cỏ dại còn tồn dư trong đất ở vụ mùa trước. Chính vì vậy, người trồng rau nên hạn chế sử dụng thuốc hóa học về sau.
-Tùy thuộc loại rau trồng và điều kiện của từng gia đình mà có thời gian phơi ải đất dài hay ngắn nhưng theo các chuyên gia hời gian phơi ải phải đạt từ 5 – 7 ngày.
Trồng luân canh, xen canh:
Tùy vào từng mùa vụ mà chúng ta chọn loại rau trồng thích hợp. Để hạn chế sâu bệnh, trước khi trồng phải chọn giống rau có nguồn gốc rõ ràng và không có bệnh. Nên áp dụng biện pháp luân canh với các loại cây khác họ, tốt nhất là cây lúa nước.
Tuy nhiên nhiều hộ gia đình không có điều kiện để làm phương pháp luân canh, chúng ta có thể trồng xen canh với cây khác họ cũng có tác dụng làm gián đoạn nguồn thức ăn và đuổi sâu hại. Ví dụ trồng cà chua xen canh với cây rau thập tự như cải bắp, cải thảo, súp lơ…. Mùi của cây cà chua có tác dụng xua đuổi sâu hại trên cây rau thập tự. Chính cách làm này đã giảm được việc dùng thuốc hóa học trên cây rau họ thập tự.
2. Biện pháp thủ công
Trong quá trình chăm sóc, chúng ta nên thường xuyên vệ sinh cho cánh đồng rau; ngắt những lá bị già, sâu bệnh, cây bị bệnh và các tàn dư thực vật, thu gom để vào một khu vực rồi sau đó mang đi tiêu hủy.
Đối với đặc tính của một số loại sâu như sâu tơ đẻ trứng và hại mặt dưới của lá rau, sâu xanh bướm trắng đẻ trứng và hại ở mặt trên của lá... Với các đối tượng sâu này, chúng ta cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để loại bỏ ổ trứng mới nở và giết nhộng của sâu, hạn chế việc sử dụng thuốc hoá học về sau.
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng bẫy dính màu vàng hoặc màu xanh để bẫy một số loại trưởng thành có cánh như bọ nhảy, rệp, ruồi đục lá, đục quả,…hại nhiều loại cây trồng. Những loại bẫy này có chi phí thấp, ta nên tận dụng các vật liệu tái chế sẵn có để làm bẫy. Khoảng cách thích hợp để đặt bẫy là từ 40 – 60cm tính từ bệ cây.
3. Biện pháp sinh học
Biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh là lợi dụng các thiên địch để tiêu diệt sâu hại trên đồng ruộng rau sạch.
Bảo vệ thiên địch của sâu hại rau: các loài bọ rùa ăn rệp ăn sâu hại; các loài sâu non, ong ký sinh trứng, nhộng của sâu hại; các loài kiến, nhện…ăn sâu hại; các loài nấm đối kháng: Beauveria, Trichoderma,…Để bảo vệ được các loài có ích này, chúng ta không nên sử dụng sử dụng thuốc hóa học.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng bẫy freromol treo trên ruộng rau nhằm thu hút con trưởng thành cái đến các bẫy mà không giao phối được, không đẻ được trứng và không hình thành được sâu gây bệnh.
4. Thu hoạch đúng thời điểm
Thu hoạch đúng thời vụ là yếu tố quan trọng khi trồng rau. Bên cạnh việc thu được sản lượng cao thì còn tránh khả năng cây bị nhiễm bệnh, giúp phòng chống sâu bệnh hại rau.
Nếu thu hoạch rau quá sớm cây sẽ yếu, không có sức đề kháng với sâu bệnh, ảnh hưởng đến đợt sinh trưởng kế tiếp. Thu hoạch rau quá muộn cũng không đảm bảo chất lượng. Một vài loại rau để quá già sẽ cho quả và rụng xuống đất, cây con mọc từ hạt rụng đó sẽ là cầu nối cho các loại sâu bệnh hại cây ở mùa vụ sau.
APPA vừa chia sẻ các bí quyết phòng trừ sâu bệnh cho cánh đồng rau sạch. Hy vọng bài viết hữu ích với mọi người.
APPA - Nguồn tổng hợp