Những lưu ý khi trồng và chăm sóc cây cảnh trong nhà
02:19 31/05/2018
Cây cảnh trong nhà có nhiều tính chất khác biệt so với cây cảnh ngoài trời nên cũng cần những lưu ý riêng về chế độ chăm sóc.

Trồng cây xanh trong nhà không chỉ có tác dụng làm đẹp mà về phương diện phong thuỷ, gia chủ còn có mong muốn cầu tài cầu lộc, mang lại may mắn cho gia đình thông qua ý nghĩa, biểu tượng của các loại cây. Tuy vậy, nếu không biết cách chăm sóc, cây cảnh trong nhà hoàn toàn có thể bị chết hoặc không phát triển như ý muốn.

Để chăm sóc tốt cây cảnh trong nhà, trước tiên chúng ta cần dành một khoảng thời gian nhất định để tìm hiểu những đặc tính của loại cây mình trồng. Việc nắm vững những đặc tính này chính là tiền đề để có chế độ chăm sóc hiệu quả. Dưới đây là những lưu ý chung cho việc trồng và chăm sóc cây cảnh trong nhà.

1. Ánh sáng

Khác với cây cảnh ngoài trời, cây cảnh trong nhà không được hưởng đầy đủ lượng ánh sáng mặt trời cần thiết. Dấu hiệu nhận biết là những chiếc lá mới mọc có kích thước nhỏ hơn so với bình thường. Vì vậy, bạn cần bài trí cây cảnh ở 1 vị trí thích hợp để cây có thể nhận được lượng ánh sáng vừa đủ để phát triển.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các cây cảnh trồng trong nhà đều không nên đặt chúng ở chỗ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như gần cửa sổ chẳng hạn. Tia nắng mặt trời sẽ làm cháy lá cây. Chỉ có những cây ưa ánh sáng như cây hoa anh thảo, cây dành dành, cây phong lữ là có thể đặt ở vị trí tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

2. Nước tưới

Tưới nước là việc làm cần thiết để cây trồng luôn khoẻ mạnh và phát triển tốt. Tuy nhiên, tưới nhiều nước lại dẫn tới những tác dụng phụ không mong muốn. Cây trồng hấp thụ không khí qua rễ cây, nếu như đất trồng lúc nào cũng ẩm ướt thì việc hấp thụ không khí sẽ diễn ra khó khăn.

Vì vậy, không nên tưới nước cho cây trồng một cách thụ động. Hãy kiểm tra liệu đất trồng ở bên dưới liệu có khô hay không, nếu khô thì cần tưới nước. Khi tưới thì nên tưới thật kỹ, tưới cho đến khi nhìn thấy nước thoát ra từ lỗ thoát nước ở bên dưới chậu cảnh.

Chúng ta có thể dùng bình phun nước để phun cho cây, mùa hè có thể phun ngày 2 lần, mùa đông thì ngày một lần để tăng cường độ ẩm, làm sạch lá, có lợi cho quá trình quang hợp của cây, làm cây xanh tốt. Những loại cây trồng trong nhà cần chú ý hơn đến việc mua những chậu cây phù hợp. Có thể dùng những loại chậu cảnh có đĩa đệm bên dưới để dễ dàng di chuyển và thoát nước tốt.

3. Phân bón

Không chỉ tưới nước, nhiều loại cây còn cần 1 lượng dinh dưỡng phù hợp để phát triển xanh tốn. VÌ vậy, bón phân là công việc khá quan trọng. Nếu bạn bón nhiều phân quá thì cây sẽ phát triển nhanh làm mất dáng thế, gọi là phá thế. Nhưng nếu bón phân ít quá, cây sẽ thiếu dưỡng chất làm chết cành… Vì vậy, cách tốt nhất là khoảng nửa tháng bón phân cho cây một lần. Ngoài ra, dùng nước vo gạo để tưới cây cũng có tác dụng rất tốt cho sự phát triển của cây.

4. Phòng bệnh

Do cây cảnh được trồng trong nhà nên không thể sử dụng thuốc trừ sâu để phòng bệnh. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể sử dụng thuốc diệt muỗi để trừ sâu. Đối với những loại cây mắc bệnh phấn trắng thì có thể dùng khăn và cồn lau sạch, nếu mức độ bệnh nghiêm trọng thì cần phải để cây ra ngoài rồi trị bệnh cho cây.

5. Phục hồi cây

Đôi khi cây cảnh được chăm sóc tốt nhưng nảy sinh hiện tượng bía vàng úa, khô héo, thậm chí rụng lá. Đây là lúc mà bạn phải kịp thời có biện pháp chăm sóc để phục hồi. Việc làm đầu tiên là không nên cho ánh sáng mặt trời chiếu xạ trực tiếp vào cây trồng. Nơi chăm sóc cây phải là nơi mát mẻ, không khí trong lành và nên tránh gió mạnh.

Trong thời gian đầu chăm sóc cây cảnh, không nên tác động vào đất trồng bởi các chức năng của cây đang ở trạng thái tĩnh. Nếu tác động, rễ cây dễ bị tổn thương. Nếu lá cây vàng úa, khô héo, có thể cắt bó, đồng thời hòa đạm vào nước với nồng độ thấp để tưới cho cây.

Appa - Nguồn tổng hợp