Việt Nam sản xuất 16 loại nấm, trong đó các tỉnh phía Nam chủ yếu trồng nấm rơm, nấm mộc nhĩ; các tỉnh phía Bắc chủ yếu trồng nấm hương, nấm sò, nấm linh chi… Sản lượng nấm hàng năm cả nước sản xuất hơn 250.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu nấm đạt từ 25 đến 30 triệu USD, trong đó xuất khẩu nhiều nhất là nấm mộc nhĩ 120.000 tấn, nấm rơm hơn 64.000 tấn.
Các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước có nhiều mô hình trồng nấm hiệu quả như: Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước…Điều đáng chú ý là hiện nay, Việt Nam không phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu vì nguồn nguyên liệu trồng nấm rất dồi dào, với sản lượng 40 triệu tấn/năm.
Dự báo, nhu cầu sử dụng nấm trong nước và xuất khẩu sắp tới còn lớn. Vì vậy, nghề trồng nấm Việt Nam cần khắc phục những hạn chế để phát huy lợi thế có sẵn. Nêu lên những những khó khăn mà nghề trồng nấm nước ta đang đối mặt, TS Nguyễn Như Hiến, Cục Trồng trọt chỉ rõ, rõ ràng, điều kiện và tiềm năng phát triển nghề trồng nấm của Việt Nam còn lớn. Tuy nhiên, thời gian qua thì quy mô, giá trị của nghề này còn thấp, sản xuất mang tính tự phát là chính.
Do đó, ngành nông nghiệp cần tìm những giải pháp hợp lý để có định hướng phát triển ổn định như mục tiêu đề ra đến năm 2020 là giải quyết được 1 triệu việc làm và xuất khẩu khoảng 500.000 tấn nấm. Cũng theo ông Nguyễn Như Hiến, mỗi vùng nên tập trung phát triển một vài loại nấm (nấm ăn, nấm dược liệu) thích hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, nguyên liệu, lao động, hình thành các vùng sản xuất nấm tập trung; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ.
Còn theo ông Lê Hồng Vinh, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp), để sản xuất nấm có hiệu quả phải đa dạng hoá các chủng loại, giống nấm phù hợp với điều kiện nước ta, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó là nghiên cứu việc sử dụng đa dạng hoá các nguyên liệu nuôi trồng nấm như: rơm rạ, mùn cưa, bã mía, thân lõi ngô, bông phế loại, vỏ trấu, vỏ lạc, cỏ…; xây dựng hoàn thiện hệ thống giống nấm từ Trung ương đến cơ sở, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ.
Ngoài ra cũng cần có những giải pháp về chính sách thuế cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống nấm, nuôi trồng nấm công nghiệp và chế biến. Để nghề trồng nấm hiệu quả, TTKNQG đề ra mục tiêu phát triển nghành nấm đến năm 2015, sản xuất và tiêu thụ khoảng 400.000 tấn nấm các loại, trong đó xuất khẩu 100.000 tấn. Đến năm 2020, sản xuất và tiêu thụ 1 triệu tấn nấm các loại, trong đó xuất khẩu 0,5 triệu tấn, giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động.
Đồng thời hình thành ngành sản xuất nấm theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung, quy mô công nghiệp; từng bước ứng dụng công nghệ cao, có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ, tạo thương hiệu nấm Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế đã chứng minh với nghề trồng nấm ở nước ta, lợi ích có, tiềm năng có nhưng khâu tổ chức sản xuất còn yếu, đặc biệt là tiềm lực khoa học công nghệ còn hạn chế và thiếu những chính sách đặc thù đã làm cho nghề trồng nấm phát triển chưa như mong đợi.
Vì thế, tới đây, nghề trồng nấm rất cần sự quan tâm đúng mức từ các ban ngành chức năng để góp phần phát huy hiệu quả hơn nữa cho người trồng nấm nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Qua đó, giúp ngành nông nghiệp có thêm sự lựa chọn về những mô hình giúp nông dân nâng cao thu nhập trong bối cảnh một số mặt hàng nông sản đang dần bão hòa về thị trường.
Appa - Nguồn sưu tầm